Ad Code

Responsive Advertisement

Thăm Trung tâm Văn hoá Huyền Trân ở Thừa Thiên Huế


Đền Huyền Trân Công Chúa - Huế

Ngược dòng lịch sử hơn 700 năm về trước, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến công du nước Chiêm Thành đã có lời giao ước hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm. Thuận tình, vua Chiêm – Chế Mân đã đem hai châu Ô, Lý dâng lên vua Trần làm vật sính lễ xin cưới công chúa Huyền Trân. Vâng mệnh vua cha (Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông) và vua anh Trần Anh Tông, công chúa Huyền Trân đã gác tình riêng, xuất giá theo chồng, lập mối hoà hiếu và mở mang bờ cõi của nước Đại Việt về phương Nam. Đất Thuận Hoá – Phú Xuân được khai sinh từ đó, đến nay đã hơn 700 năm.

Để ghi nhớ công ơn của Công chúa Huyền Trân, năm 2006, Trung tâm Văn hoá Huyền Trân được khởi công xây dựng. Và một năm sau, ngày 26/3/2007, công trình được hoàn thành, mở cửa đón nhân dân địa phương và du khách vào tham quan, tri ân công chúa Huyền Trân đúng vào dịp kỷ niệm 700 năm hình thành vùng đất Thuận Hoá – Phú Xuân.
Trên diện tích 28 ha, Trung tâm Văn hoá Huyền Trân là một quần thể kiến trúc truyền thống (kiểu kiến trúc cung đình Huế) bốn bề đồi núi trùng điệp, phong cảnh hữu tình. Toạ lạc dưới chân núi Ngũ Phong (cao 108 mét so với mực nước biển) là đền thờ Công chúa Huyền Trân. Từ ngoài dẫn vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có nghê đá phục chầu; tiếp đến là ba bậc sân rộng lát gạch Bát Tràng có hồ nước và cầu bắc qua; tiếp nữa là tam quan, trong cùng là đền thờ Huyền Trân Công chúa. Bên trong đền thờ có pho tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai với khuôn mặt phúc hậu, dáng vẻ uy nghiêm truyền tải vẻ đẹp chiều sâu tâm hồn của con người Việt. Tượng cao 2,37 mét, được đúc bằng đồng nguyên chất do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc,thành phố Huế thực hiện. Đỉnh nhang trước điện luôn nghi ngút khói hương của du khách thập phương đến tri ân, chiêm bái. Hậu điện thờ Đoàn Nhữ Hài, tương truyền là vị quan người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ và yên dân hai châu Ô, Lý khi hai châu này về với Đại Việt. Khuôn viên phía sau điện thờ là lầu bát giác dựng tượng ni sư Hương Tràng (pháp danh của Huyền Trân công chúa sau khi xuất gia tu hành). Khuôn mặt nhân từ của bà man mác, trầm tư trước thế thái nhân tình, như điệu Nam Bình trong khúc Nước non ngàn dặm, tương truyền là do Công chúa Huyền Trân viết lúc rời quê hương đi làm dâu xứ Chiêm Thành.
Cũng trong khuôn viên Trung tâm Văn hoá Huyền Trân còn có nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ khác. Qua khỏi lầu bát giác, du khách tiếp tục đi lên 108 bậc cấp, hai bên là đôi rồng chầu dài 108 mét (được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là đôi rồng chầu dài nhất Việt Nam) dẫn lên điện thờ Thượng hoàng Trần Nhân Tông, đức Vua – Phật hoàng. Trần Nhân Tông là phụ hoàng của Công chúa Huyền Trân, là vị vua anh minh, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, là vị tổ của Thiền phái Trúc lâm. Đi thêm 246 bậc cấp theo con đường ngoằn nghèo giữa đồi thông xanh để chinh phục đỉnh núi Ngũ Phong và đến với Tháp chuông Hoà Bình. Trên đỉnh núi cao, tháp chuông Hoà Bình in vẻ trầm mặc giữa nền trời xanh. Tháp chuông cao 7 mét, bên trong treo một quả chuông nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét, cũng do các nghệ nhân phường Đúc, thành phố Huế thực hiện. Thân chuông có khắc các hình ảnh tượng trưng của bốn chùa: Giác Lâm (TP Hồ Chí Minh), Thiên Mụ (Huế) Diên Hựu (Hà Nội) và chùa Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh). Trên đường đến với Tháp chuông Hoà Bình, ta còn gặp bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn thường trực trên môi.
Khách đến với Trung tâm Văn hoá Huyền Trân, sau khi chiêm bái, tri ân các vị tiền nhân với lòng thần kính, mang theo những ước nguyện lên Tháp chuông Hoà Bình để gióng ba tiếng chuông thì mọi điều sẽ linh nghiệm. Đứng ở độ cao 108 mét trên đỉnh núi Ngũ Phong, giữa chốn núi rừng thâm nghiêm, tiếng chuông thông thả ngân vang, lan toả trong không gian tĩnh lặng, mang theo lời nguyện lành như tám chữ khắc trên mặt chuông “Thế giới – Hoà bình – Nhân loại – Hạnh phúc”… khiến lòng người tịnh tâm, thanh thản./.
LIKE VIETNAM (Theo Dulichvn)

Post a Comment

0 Comments