(Tinmoitruong.vn)-Núi Đá Bia thuộc địa bàn xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà (tỉnh Phú Yên) nằm trong khu vực tổng thể gắn kết với nhiều địa điểm phụ cận rất có lợi thế về điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội như: Đập Hàn, Đèo Cả - Vũng Rô, Mũi Đại Lãnh – Bãi Môn, vịnh Vân Phong…, đặc biệt di tích thắng cảnh núi Đá Bia giữ một vị thế quan trọng trong hệ thống di sản ở Phú Yên.
Di tích thắng cảnh núi Đá Bia giữ một vị thế quan trọng trong hệ thống di sản ở Phú Yên |
Những năm gần đây số lượng người leo núi Đá Bia để chiêm ngưỡng kỳ tích của cha ông và vẻ đẹp mà tạo hoá ban cho vùng đất này ngày một nhiều; nhất là trong dịp kỷ niệm ngày thành lập đoàn 26/3 và các ngày lễ lớn thường tổ chức leo núi, có đợt lên đến hàng ngàn người tham gia. Vào cuối năm 2008, núi Đá Bia đã được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích thắng cảnh quốc gia, càng thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến với di tích này.
Mới đây giải leo núi quốc tế chinh phục núi Đá Bia được tổ chức trong chương trình hoạt động chào mừng kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển gắn với năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, đã thu hút gần 30 đoàn vận động viên trong nước và quốc tế với hàng trăm vận động viên ở hệ khác nhau cùng hàng ngàn lượt khách bộ hành cho thấy Danh thắng này đã và đang là tâm điểm thu hút khách du lịch. Đây là tín hiệu vui đồng thời cũng đặt ra cho cơ quan chủ quan và các đơn vị hữu trách cần phải có những giải pháp kịp thời để quản lý, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế di tích mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội.
Ông Đỗ Đình Tây,Trưởng phòng Văn hoá, Thể thao huyện Đông Hoà cho biết: “Với chức năng quản lý nhà nước về các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch trên địa bàn huyện nhận thấy di tích thắng cảnh núi Đá Bia đã và đang chịu những tác động từ sự vô ý hoặc thiếu ý thức của con người. Do mới được công nhận là di tích thắng cảnh quốc gia nên chưa có điều kiện đầu tư các dịch vụ phục vụ. Du khách khi leo núi phải mang theo đồ ăn, nước uống và những vật dụng cho sinh hoạt cá nhân; sau khi sử dụng mọi rác thải từ ăn, uống đến vệ sinh cá nhân đều thải ra môi trường. Nhiều lần như vậy thì việc gây ô nhiễm môi trường, thậm chí cả dịch bệnh do ruồi muỗi sinh ra từ sự ô nhiễm đó là điều không tránh khỏi. Mặt khác, khu rừng cấm đèo Cả có thảm thực vật đa dạng với nhiều tầng nấc cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao về mùa hè do vô ý hoặc thiếu ý thức của con người...”
Bà Lê Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Xuân Nam cũng cho biết thêm “Những năm trước đây, nạn săn bắt động vật hoang dã và khai thác lâm thổ sản trái phép; khai thác khoáng sản đá, cây cảnh trong khu vực rừng cấm đèo Cả để kinh doanh vì lợi ích cá nhân diễn ra khá phổ biến đã làm giảm sự đa dạng sinh học và từng bước phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Hiện tại đã giảm nhiều nhưng tình trạng lén lút vào rừng chặt cây để đốt than, chặt dây mây, cây giang hoặc săn bắt chim thú vẫn còn xảy ra cần được ngăn chặn triệt để nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học ở khu rừng cấm đèo Cả và danh thắng quốc gia núi Đá Bia”.
Theo bà Lê Thị Kim Lan để khai tiềm năng di tích thắng cảnh quốc gia núi Đá Bia bền vững cần phải tập chung vào một số giải pháp chính :
Ngành chủ quan và các đơn vị hữu trách cần sớm tiến hành qui hoạch chi tiết trên cơ sở tiếp cận sinh thái di tích thắng cảnh núi Đá Bia để thực hiện các hạng mục phù hợp với điều kiện tự nhiên của hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Cần điều tra đánh giá, kiểm kê đất đai, khoáng sản, động thực vật khu bảo tồn di tích thắng cảnh, khoanh vùng đánh giá tiềm năng, giá trị rừng cấm đèo Cả và khu vực vùng đệm để có giải pháp tổng thể bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tại di tích thắng cảnh núi Đá Bia. Đây là giải pháp có tính chất quyết định khả năng duy trì các chức năng cân bằng môi trường sống của sinh học, chức năng duy trì và ổn định khí hậu trong khu vực.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận cho cộng đồng bắt đầu từ mỗi du khách, mỗi người dân về trách nhiệm và lợi ích trong xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học di tích thắng cảnh núi Đá Bia. Sự tham gia bảo vệ môi trường di tích thắng cảnh núi Đá Bia của cộng đồng không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho sự nghiệp bảo vệ di tích thắng cảnh, mà còn là lực lượng giám sát môi trường nhanh và hiệu quả giúp cho cơ quan có trách nhiệm quản lý tốt di tích thắng cảnh giải quyết kịp thời các vấn đề khi chúng xuất hiện.
Các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần tăng cường các hoạt động thiết thực để thực hiện triệt để Quyết định số 02/2003/QĐ-BTNMT ngày 29/7/2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch nhằm tăng cường hiệu lực quan lý của nhà nước đối với các hệ sinh thái ở di tích thắng cảnh núi Đá Bia và khu rừng cấm đèo Cả. Đồng thời có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý, răn đe những hành vi xâm hại di tích thắng cảnh này.
Núi Đá Bia, còn gọi là Thạch Bi Sơn, dân gian tương truyền là Núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy. Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn côngChămpa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này. Vì thế, núi được gọi là núi Đá Bia"- (Nguồn :Wikipedia).
Th.s Nguyễn Hoài Sơn - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên
0 Comments