Hiện nay, máy ảnh DSLR đã phổ biến nhưng không phải ai sở hữu camera này cũng biết cách chụp pháo hoa đẹp. Bài viết này tổng hợp một số kinh nghiệm được chia sẻ trên các website về nhiếp ảnh
Các vấn đề kỹ thuật
Người chụp pháo hoa cần nhớ những "thông số" sau: Tripod, dây bấm, ống kính góc rộng (wide), f/8.0 hoặc f/11.0, ISO 50 hoặc ISO 100, chế độ chụp BULB và file RAW.
Tripod (chân máy): Đây là một trong những điều kiện cần để chụp pháo hoa. Người chụp cần giữ cố định camera để chụp pháo hoa không bị rung. Nếu không có tripod, có thể chọn 1 điểm cố định để đặt máy.
Dây bấm: Khi chụp pháo hoa, do chụp ở tốc độ chậm, thời gian phơi sáng lâu nên càng hạn chế chạm vào máy ảnh càng tốt. Dùng tay để bấm/giữ nút shutter sẽ làm máy bị rung. Người chụp cần 1 sợi dây bấm (remote).
Ống kính: Vì chụp pháo hoa đẹp nhất khi thu được toàn cảnh, bạn nên dùng ống góc rộng. Ống kit (18-55 mm) đi kèm với các dòng máy cơ bản cũng có thể chụp pháo hoa, hoặc bạn có thể dùng ống kính có tiêu cự rộng hơn 24 mm là vừa đủ. Khẩu độ nhỏ (f/8.0 hoặc f/11.0) thì cảnh sẽ rõ nét và chụp phơi sáng tốt hơn là mở khẩu lớn.
ISO: Nên để ISO là 100 hoặc 50 (tùy theo máy) để ảnh có chất lượng tốt nhất.
Chế độ chụp: Có thể chọn là chế độ Bulb (hoặc B) để giúp chủ động được thời gian chụp của máy. Định dạng file chụp nên chuyển sang thành RAW thay vì JPG (chỉnh lại ảnh với chất lượng tốt hơn ở khâu hậu kỳ).
Các bước chuẩn bị
Để chụp pháo hoa đẹp, bạn cần có 1 địa điểm tốt, như nóc nhà cao nhìn ra hướng bắn pháo hoa, bờ sông đối diện... Tiếp theo, cần kiểm tra kỹ thẻ nhớ, sạc pin đầy đủ, lau chùi ống kính và vệ sinh sensor, đem theo khăn lau ống kính và 1 cái ô nhỏ đề phòng trời mưa.
Bạn cần có mặt càng sớm càng tốt ở địa điểm chụp để khảo sát, chọn vị trí tốt, chụp thử vài kiểu để hình dung ánh sáng toàn cảnh và điều chỉnh thích hợp. Một trong những khâu khó nhất khi chụp ảnh pháo hoa là xác định trước hướng máy ảnh, bởi khi pháo đã bắn lên thì không còn kịp để căn chỉnh nữa.
Xem đường chân trời: Một điều cũng nên lưu tâm là để bố cục ngang với đường chân trời thế nào cho hợp lý. Đây là yếu tố ảnh hưởng không ít tới vẻ đẹp của một cảnh pháo hoa.
Chụp dọc hay ngang: Do đặc trưng của pháo hoa là được bắn thẳng lên trời và rơi xuống từ từ, chụp ảnh dọc thường thu được nhiều quang cảnh pháo sáng rực rỡ hơn. Chụp ảnh ngang chỉ hữu dụng khi bạn muốn lồng thêm cả khung cảnh xung quanh với ống kính góc rộng.
Ghi nhớ khung hình: Đến thời điểm bắn pháo hoa, bạn không cần lúc nào cũng nhìn qua ống ngắm bởi khi nhìn trực tiếp, bạn mới có thể thấy và cảm nhận được thời điểm pháo hoa sẽ nổ và tính toán khoảng thời gian mỗi quả pháo sáng rơi dài thành vệt xuống bao lâu, từ đó bạn chỉ việc hướng ống kính về phía khung hình đã định và bấm máy.
Lấy nét: Bạn nên lấy nét ở vô cực rồi xoay ngược về một chút, hoặc canh nét vào 1 tòa nhà hay 1 chủ thể mà bạn nghĩ sẽ gần với nơi pháo hoa nổ. Do chụp ở khẩu độ nhỏ (f/8.0-f/16.0), bạn không cần quá lo lắng về việc ảnh không nét.
Bắt đầu chụp
Khi vệt sáng được bắn lên thì bạn bắt đầu bấm nút chụp, đợi tới khi pháo nổ tung ra hoặc 2-3 đợt pháo bắn liên tiếp thì nhả nút chụp ra. Tùy sở thích và ý muốn mà bạn chụp/ngưng chụp vào các thời điểm khác nhau. Thời gian giữ nút chụp thường rơi vào khoảng 4-10 giây.
Sau khi chụp vài tấm ảnh đầu tiên, kiểm tra nhanh xem chúng có lỗi gì không để kịp chỉnh sửa thông số hoặc bố cục trước khi chụp loạt tiếp theo. Thời điểm đẹp nhất để chụp pháo hoa là khoảng 2 phút đầu tiên vì lúc đó có ít khói nhất. Ngoài ra, đợt cao trào cuối cùng trước khi kết thúc cũng là thời điểm đẹp để chụp.
Sau khi chụp vài tấm ảnh đầu tiên, kiểm tra nhanh xem chúng có lỗi gì không để kịp chỉnh sửa thông số hoặc bố cục trước khi chụp loạt tiếp theo. Thời điểm đẹp nhất để chụp pháo hoa là khoảng 2 phút đầu tiên vì lúc đó có ít khói nhất. Ngoài ra, đợt cao trào cuối cùng trước khi kết thúc cũng là thời điểm đẹp để chụp.
0 Comments