Ad Code

Responsive Advertisement

Tháp Chăm Ninh Thuận - Nét đẹp trường tồn trước tác động của BĐKH

(Tinmoitruong.vn)-Di sản kiến trúc Tháp Chăm Ninh Thuận- một nét đẹp trường tồn trước môi trường tự nhiên đầy khắc nghiệt và đặc biệt là những biến cố ngày một cực đoan của thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu!

Như các tài liệu lịch sử thì trong quá trình trị vì đất nước, các triều đại Chămpa cổ xưa đã cho xây dựng khá nhiều đền đài; cho đến nay trên vùng cư trú xưa của họ vẫn còn lại một số dạng kiến trúc đền đài là các tháp. Các hệ thống Tháp Chăm được nằm rải rác suốt từ Quảng Nam, Đà Nẵng tới Ninh Thuận, Bình Thuận; các di sản này vẫn là những viên ngọc quý của nền kiến trúc cổ điển Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Tháp Chăm ở Ninh Thuận là một dạng kiến trúc tôn giáo mang bản sắc rất riêng của dân tộc Chămpa.

Thời gian qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu say mê bởi vẻ đẹp và cả bí ẩn của tháp Chăm mà vẫn chưa được lý giải trọn vẹn; Tháp Chăm vẫn cứ trường tồn với biết bao huyền thoại. Cho đến bây giờ người Chăm ở Ninh Thuận còn lại 3 ngôi tháp, mang 3 phong cách và niên đại khác nhau. Đó là minh chứng cho sự tồn tại vững bền của công trình kiến trúc hàng ngàn năm tuổi trước sự phong hoá của môi trường tự nhiên khắc nghiệt, mà đặc biệt là những biến cố của thiên tai.
Tháp Chăm Ninh Thuận - Nét đẹp trường tồn trước tác động của BĐKH
Toàn cảnh Tháp Pôklongiarai - Ảnh: V.T
Tháp Pôklongiarai nằm cách trung tâm Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 5 km về phía Tây Bắc; thuộc Phường Đô Vinh, Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; được xây trên đỉnh Đồi Trầu. Tháp được người Chăm xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII. Tổng thể kiến trúc xưa gồm 5 tháp, nay còn 3 tháp là tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính. Tháp Chính là tháp lớn nhất, cao hơn 21m, mỗi cạnh dài 10m, gồm 4 tầng lên cao thu nhỏ dần rồi tận cùng bằng một linh ga đá. Các mặt của 4 tầng đều có vòm cửa. Quanh thân tháp được trang trí rất khéo léo. Người xưa đục gọt gạch thành những băng hoa kỷ hà, những dải cánh sen, những đường uốn lượn vui mắt quanh các ô cửa, tạo thành những vòng hào quang toả sáng. Ngoài tượng các thần phương hướng, tháp còn có tượng bò, dê và đặc biệt có tượng thần Siva ở mí cửa ra vào. Khu tháp được xây dựng để tưởng nhớ vị vua Pôklongiarai, một vị vua đã có công trong việc dẫn thuỷ, hạ điền của địa phương. Tháp Pôklongiarai được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1979.
Tháp Hòa Lai 
Tháp Hòa Lai nằm cách trung tâm Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 15 km về phía Đông Bắc; thuộc Xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc. Xây dựng vào thế kỷ IX được xếp vào phong cách Hoà Lai. Có mặt bằng hình chữ nhật, các cạnh trước, cạnh sau dài khoảng 8m, cao 10m. Mặt chính của ngôi tháp được đặt ở phía Đông, nhưng 2 mặt bên cũng đều có trổ cửa ra vào để đón ánh sáng. Có thể nói, ngôi tháp Hoà Lai là những kiến trúc thành công nhất của phong cách với khối thân hình lập thể mạnh mẽ, bên trên là hệ thống cổ điển của các tầng nhỏ dần. Tuy nhiên, tháp trang trí giới hạn ở các chỗ khung cửa và các cột ốp, các đường diềm nhấn ở các tầng. Phong cách trang trí vừa nhấn mạnh, tô điểm cho các cấu trúc đỡ, vừa phô bày ra một thị hiếu hoàn hảo. Yếu tố tiêu biểu của tháp Chăm là các vòm cửa nhiều múi tròn trùm lên các cửa thật, cửa giả và các khám. Tuy có vai trò như trán nhà, vòm cửa của tháp Chăm uốn cong, các vành được trang trí bằng các hình cuốn. Tất cả tạo cho tháp Hoà Lai một vẻ đẹp trang trọng.
Tháp Pôrômê
Tháp Pôrômê
Tháp Pôrômê nằm cách trung tâm Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 15 km về phía Tây Nam; thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước; nằm trên một ngọn đồi “Bôn acho”, cao chừng 50m.Ngôi tháp được xây dựng khá muộn, vào thế kỷ XVI. Khu tháp này có 3 ngọn tháp nhưng nay chỉ còn một cây tháp chính thờ Pôrômê, còn tháp phụ phía sau thờ Hoàng hậu và tháp bên phải thờ thần Hoả đã bị huỷ hoại hoàn toàn. Tháp chính Pôrômê về bố cục và hình dáng giống tháp Pôklongiarai nhưng nhỏ hơn một chút, cao chừng 18m, cạnh chân dưới 8m, các đường gờ ngang và cột ốp dọc ít hơn, các tượng gắn với tháp chỉ có ở hai tầng dưới. Theo đồng bào ở đây kể lại rằng, tháp Pôrômê vốn của Po Mun Taha là bố vợ của Pôrômê. Sau này Pôrômê được bố vợ truyền ngôi nhờ có nhiều công và được thờ trong tháp này. Tháp Pôrômê được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992.

Theo Ấn Độ giáo người ta gọi Tháp Chăm là Sikhara - có nghĩa là đỉnh núi nhọn, biểu thị của núi Mêru, một dạng kiến trúc tiêu biểu được xây dựng theo tín ngưỡng thống nhất thờ thần Siva, một trong tam vị nhất thể của đạo Bà La Môn. Trong đó, tháp Chăm Ninh Thuận đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, dung hoà được trong phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer, khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng.


Nói đến tháp Chăm là nói đến sự độc đáo của chất liệu xây dựng nên chúng: gạch Chăm. Gạch Chăm cũng làm từ đất sét như mọi loại đất khác, nhưng nó bí ẩn đến mức chúng ta không biết người nghệ sĩ Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín? Có thể nói, từ trong huyền thoại xa xưa đã để lại cho nhân loại: Di sản kiến trúc Tháp Chăm một nét đẹp trường tồn trước môi trường tự nhiên đầy khắc nghiệt và đặc biệt là những biến cố ngày một cực đoan của thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu !
Đặng Bình - Phan Hoàn (Trung tâm KTTV Ninh Thuận)

Post a Comment

0 Comments