Du khách đến Huế thường để tham quan đền đài, lăng tẩm, chùa chiền; để nghe nhã nhạc hay ca Huế thính phòng và thưởng thức ẩm thực cung đình hay cơm Huế. Tuy nhiên các món hàng ăn dân dã vốn vô cùng phong phú, ngon miệng, rất đặc thù của Huế cũng là một nguồn tài sản vô giá, “ẩm thực bụi” Huế hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm du lịch vô cùng hấp dẫn thu hút du khách mọi vùng miền...



Vậy sau đây chúng ta hãy cùng làm một tour "ẩm thực bụi" Huế theo lời hướng dẫn của một hướng dẫn viên bản địa thích ăn, vui tính

Nơi đầu tiên khách được khám phá là “bún chờ” mệ Kéo nằm dưới một mái nhà cổ ven sông Đông Ba đoạn gần cầu Gia Hội, TP Huế. Mấy mươi năm qua, mưa cũng như nắng, đông cũng như hè, cứ 7g15 mỗi sáng, xích lô chở mệ Kéo (từ An Cựu) mới dừng trước quán. Nhưng từ trước 7g đã có rất nhiều người, kể cả những nhân vật vốn “nổi đình nổi đám” không chỉ ở Huế mà còn ở trung ương, trên tay đôi đũa chồm hổm ngồi chờ. Cái vị ngọt rất thật từ thịt, xương của nước bún mệ Kéo khó lẫn vào đâu được.

 Tôi kêu ba tô bún thịt ba chỉ - đặc sản riêng có của bún mệ Kéo - cùng chả cua và da heo. Miếng thịt không gây ngán mà giòn rụm cộng nhúm rau sống lẫn chuối thân thái mỏng là lạ... Hai thực khách không chê mà còn xuýt xoa làm tôi yên lòng.
 
Sau cữ cà phê dưới bóng bồ đề ở Vườn Thiên Đàng ven sông Hương, khách “chấm” ngay món bánh canh Nam Phổ trên đường Nguyễn Công Trứ khi được giới thiệu vài món cho “bữa lỡ” sáng. Món bánh canh bột gạo mềm trong tô nước sền sệt nằm dưới váng nhụy chả tôm vốn rất “nhẹ bụng”. Người nấu là một cụ bà gốc Nam Phổ (huyện Phú Vang). Không chỉ thưởng thức, ngồi đấy nhìn cụ thoăn thoắt tạo bánh bằng cách dùng một chiếc đũa cái bằng tre nhúng vào xô bột sền sệt rồi “rê” vào nồi nước sôi cũng đã thấy thú vị.

 Đến buổi trưa, thay vì ăn cơm dưới mái nhà rường Thảo Trang Viên ở đường Phú Mộng hay Bà Đào ở đường Đặng Dung trong Thành nội, thực khách lại lựa chọn quán Bến Đò Cồn trên đường Chi Lăng với món bánh khoái và nem lụi. “Bữa lỡ” chiều từ 15g30 được đưa ra nhiều phương án nhất: bánh canh cua trên đường Phạm Hồng Thái, cháo bò chợ Thông, bánh canh bà Đợi ở đường Đào Duy Anh, bún giấm nuốc ở đầu cầu Gia Hội, bún chả bà Phụng dưới đường Nguyễn Du, cháo giò sau lưng chợ Cống, bún thịt nướng trên đường Đào Duy Từ, bún mắm nêm trên đường Bà Triệu, hay gọi một nách bánh của các chị làng Vân Dương bất kỳ rồi ngồi ăn trên vỉa hè...
 
nem lụi
 
Tất cả đều đáng để lấp đầy một buổi chiều. Nhưng tôi “quyết” phương án “trung tính” nhất, đó là “chợ ăn hàng” chị Nguyên ở ngay chân cầu Kiểm Huệ. Chỉ tiếc cái không gian thoáng mát dưới bụi tre phía bên kia đường nơi chị ngồi bán nhiều năm trời đã biến mất, nhưng những món ăn thì ít thay đổi.
 
Có đến hơn mười món trong quán, từ bánh canh, bún giò, bún bò, bún vịt cho đến bún thịt nướng, mắm nêm, mít trộn, bánh lọc chả da... Thực khách chọn ngay tô mít trộn thịt nướng chan mắm nêm. Tôi “bồi” thêm tô huyết mềm nặn múi chanh nhỏ pha thêm chút nước ớt tươi đãi khách...
 
Các món bánh Huế gồm bèo, nậm, lọc và chả cua bà Đỏ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm được chọn làm buổi ăn tối. “Tour ăn hàng” của tôi kết thúc bằng chén chè bắp non đầu mùa ở cồn Hến.
 
Thực khách tỏ ra tiếc nuối trước cái bụng có hạn, trong khi một ngày lại trôi qua quá nhanh. Còn những bún giấm nuốc ở đầu cầu Gia Hội, cháo bò giấc chiều chợ Thông, cơm hến Nhỏ trên đường Trương Định, hay bánh canh bà Đợi ở đường Đào Duy Anh, cháo chả bà Thí ở chợ Tây Lộc, bún thịt nướng ở Đào Duy Từ, và còn nhiều gánh hàng rong khác nữa nhưng không đủ thời gian...
 
Danh sách món trong “ngân hàng ăn vặt” của Huế thật ra còn rất dài, trong một tuần, thậm chí lâu hơn nữa cũng chưa ăn hết. Thực khách lại hẹn một tour sau...

LikeVietNam - Nguồn: internet